Home / Ngữ văn / Ngữ văn lớp 7 / Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú – Văn mẫu lớp 7

Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú – Văn mẫu lớp 7

Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú – Bài số 1

Sáng thứ sáu tuần qua, ở lớp 7C trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình xảy ra một câu chuyện thật là cảm động.

Chúng em vừa vào học tiết văn của cô chủ nhiệm được khoảng hơn mười phút thầy giám thị bảo là bạn Thúy ra ngay cổng trường có người cần gặp. Một lát sau, Thúy trở vào với gương mặt tái nhợt và đôi mắt đỏ hoe. Cô Thanh gặng hỏi, Thúy run run cắn chặt môi để kìm tiếng khóc rồi cho biết rằng vừa nhận được tin cha bị tai nạn giao thông.

Cả lớp lặng đi vì xúc động, vì thương Thúy. Nhà Thúy nghèo lắm! Cha mẹ rời quê hương từ Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp mới được vài năm. Sáng sáng, mẹ quẩy gánh xôi đi bán dạo. Ba Thúy mướn chiếc xích lô chở khách kiếm tiền nuôi các con ăn học. Thúy là chị lớn trong nhà, vừa lo học, vừa lo phụ giúp gia đình. Chúng em đi học bằng xe đạp, còn Thúy đi bộ. Em để ý thấy Thúy chỉ có hai bộ quần áo để thay đổi hàng ngày. Tuy vậy, tinh thần vượt khó và kết quả học tập của Thúy thật đáng nể!

Tai nạn đột ngột của ba Thúy quả là một tai họa đối với gia đình bạn ấy. Từ nay, mấy mẹ con của Thúy biết nương tựa vào đâu?

Trong lúc Thúy thu xếp sách vở, cô Thanh đã nhanh chóng họp với ban cán bộ lớp. Cô cử bạn Quốc lớp trưởng chở Thúy đến bệnh viện, thêm bạn Liên tổ trưởng tổ hai đi kèm cho an tâm. Khi các bạn đã đi, cô khuyên chúng em quyên góp tiền để giúp đỡ gia đình Thúy. Cả lớp hưởng ứng lời cô. Bạn nào có nhiều góp nhiều, bạn nào có ít góp ít. Bạn nào không có thì hẹn đến mai…

Số tiền không nhiều nhưng đó là tấm lòng chân thành của chúng em sẻ chia hoạn nạn cùng người bạn bất hạnh. Hơn lúc nào hết, Chúng em càng thương Thúy và mong bạn ấy vượt qua được thử thách nghiệt ngã này. Em thấm thía lời dạy của ông cha: Thương người như thể thương thân và muốn nói với Thúy rằng: "Thúy ơi! Hãy đứng vững! Bên cạnh bạn đã có chúng tôi!"

Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú – Bài số 2

Buổi tối hôm ấy, gia đình em cùng quây quần bên nhau để chia sẻ cho nhau nghe về những chuyện thường ngày. Em đã kể cho Ba, Mẹ nghe về một chuyện cảm động ở trường xảy ra trong lớp. Câu chuyện như thế này:

Một buổi sáng đẹp trời, khi chúng em đang say sưa với tiết học Toán của cô chủ nhiệm đầy niềm vui và lý thú, bỗng tiếng chuông điện thoại của cô vang lên. Cô nhấc máy trả lời và sau đó, cô bảo, là có phụ huynh bạn Nam muốn gặp bạn ấy. Thế là cô cho phép Nam xuống phòng truyền thống để gặp dì của bạn ấy. Rồi cả lớp lại tiếp tục chăm chú nghe cô giảng bài. Từng giờ, từng giờ đồng hồ trôi qua vẫn chưa thấy bạn Nam lên lớp, cô và các bạn lo lắng, không biết có chuyện gì xảy ra không. Rồi cả lớp vẫn tiếp tục chờ. . . Bỗng có một người phụ nữ dắt một cậu học sinh tiến vào lớp. “Đó là Nam kìa!”,Tiếng mấy bạn vang lên. Còn người phụ nữ kia không biết là ai mà sao thấy Nam vừa đi, vừa khóc. Cô Giáo thấy thế liền mời Nam và người phụ nữ đó vào. Sau một hồi tiếp chuyện,thì mới biết người phụ nữ ấy là Dì của Nam đến để báo tin là mẹ Nam đã qua đời do tai nạn giao thông. Nghe được tin này, cả lớp ai nấy cũng xịu mặt, đâu đó ở phía sau lớp có tiếng khóc cất lên, chỉ trong giây lát,cả lớp đều thút thít. Nhà của Nam ở cách xa đây lắm, hoàn cảnh gia đình thì khó khăn, Bố Nam mất sớm, Mẹ Nam phải đi làm kiếm tiền để nuôi Namăn học. Vậy mà bây giờ, mẹ Namđã ra đi vào cõi vĩnh hằng, để lại trên đời này một mình Nam biết sống ra sao?. . .

Càng nghe câu chuyện, tiếng khóc của các bạn càng to hơn, cả cô cũng không kiềm nổi nước mắt của mình. Nam trước giờ là một người ít nói, khó ai chia sẻ được với bạn đó, nhưng Nam học giỏi và rất tốt bụng. Không ngờ, hoàn cảnh của Nam lại như thế này. Cả lớp không ai dám tin vào sự thật này cả cô giáo cũng vậy. Chúng em quá bất ngờ trước nỗi bất hạnh đó. Dì Nam đến trường để xin cho Nam nghỉ học, vì Nam sẽ được chuyển xuống ở chung với bà ngoại. Vậy là chúng em không gặp được Nam nữa sao? Không được học chung với Nam nữa sao? Điều đó quá tàn nhẫn đối với chúng em, và đặt biệt là Nam sẽ rời xa các bạn mãi mãi. Thế là mấy đứa bạn thân đem quà bánh lên cho Nam và bảo: “Về trường mới Cậu ráng học nhé! Tụi tớ sẽ nhớ Cậu nhiều lắm đó!”. Cả Cô giáo cũng tặng Nam một món quà nhỏ để làm kỷ niệm. Tay Nam vừa cầm, nước mắt của Nam tuôn rơi. Bỗng Dì Nam bảo: “Thôi, chia tay với các bạn nhiêu đó được rồi, ta về nhé!”. Nam vẫy tay chào các bạn và nói: “Tạm biệt các bạn, Nam đi nha!”. Tiếng khóc mỗi lúc một to dần, to dần. Cả lớp luyến tiếc khi nhìn Nam rời xa. Ra về, ai cũng buồn và xót xa cho hoàn cảnh của Nam.

Xem thêm:  Giải Toán lớp 4 Luyện tập chung trang 139

Kể xong em mới biết nước mắt của mình đã chảy ra từ khi nào không biết, Ba, Mẹ em cũng thế, đều xúc động và thương tiếc cho hoàn cảnh đáng thương ấy. Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra được một bài học quý giá là: để không ai phải gặp trường hợp xót xa như của bạn Nam, chúng ta phải luôn chấp hành tốt luật giao thông đường bộ, bảo vệ cho mình và cho người khác. Đồng thời luôn biết thương yêu, đùm bọc những người thân trong gia đình.

Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú – Bài số 3

Sau những tháng ngày nghỉ hè xa cách, chúng con rất háo hức với buổi gặp mặt lớp đầu năm học chuẩn bị cho buổi khai giảng. Vừa đến trường, chúng con đã vội vàng đi tìm nhau để kể cho nhau nghe về kì nghỉ hè của mình và còn để nói chuyện vì nhớ nhau quá. Chính vì quá say mê "buôn" chuyện như thế mà chúng con đã gây ra một chuyện rất buồn cười trong trường: nhận nhầm lớp học.

Đúng tám giờ, Ban Giám hiệu nhà trường triệu tập cán bộ lớp các lớp để họp mặt và phổ biến một số thông báo đầu năm như phòng học của các lớp, lịch tập diễu hành, lịch khai giảng… Khi nghe tiếng loa gọi của thầy hiệu trưởng con cùng hai bạn lớp phó tiếc rẻ cuộc nói chuyện trong lớp, cứ chùng chình mãi rồi mới đi. Vừa đi chúng con vừa tranh thủ nói chuyện tiếp. Khi vào phòng họp, ba đứa chọn bàn cuối phòng rồi thì thầm kể chuyện và khúc khích cười với nhau. Cuộc họp tan, thầy hiệu trưởng cất tiếng hỏi lớn: "Các em đã nắm rõ những thông tin trên chưa?" ba đứa con giật mình, đáp có rất to hoà cùng tiếng trả lời của các bạn lớp khác.

Khi chúng con về đến hàng của lớp dưới sân trường thì cũng là lúc thầy tổng phụ trách nhắc nhở các cán bộ lớp đưa lớp về phòng học như Ban giám hiệu đã phổ biến. Ba chúng con ngớ ra hỏi nhau: Phòng học lớp mình ở đâu? Từng lớp, từng lớp một đi về phòng học của lớp mình rất nhanh. Ba đứa con lo lắng nhìn nhau. Chẳng đứa nào dám đi hỏi lại vì sợ bị mắng. Phía dưới hàng đã có tiếng giục của các bạn: "Về lớp nhanh lên không nắng lớp trưởng ơi". May sao, ngay lúc ấy bạn Bình lớp phó gọi về phòng học, phòng nào trống thì đó là phòng của lớp. Ba đứa khấp khởi mừng chia nhau theo dõi các phòng học. Cuối cùng thấy dư ra hai phòng: một phòng nằm sát phòng thí nghiệm tầng hai, một phòng nằm ngay tầng một. Chúng con hội ý rất nhanh: phòng tầng hai có lẽ dùng để các thầy cô trao đổi sau khi làm thí nghiệm hoặc cho các lớp học lý thuyết trước khi thực hành. Vậy là chúng con đưa lớp về phòng học tầng một. Cả lớp đang lao xao ổn định chỗ ngồi thì bất ngờ thầy hiệu phó bước vào. Thầy nghiêm khắc nhìn cả lớp khiến chúng con thoáng giật mình.

– Thầy không nghĩ là năm nay, số học sinh lưu ban của trường lại nhiều như vậy.

Trời ơi. Chuyện gì thế này? Thầy là thầy hiệu phó phụ trách kỉ luật mới chuyển công tác về trường con. Có lẽ có nhầm lẫn gì đó ở đây. Con chưa kịp giơ tay hỏi thầy đã nhắc nhở.

– Em áo xanh ngồi trật tự! Các em vô kỉ luật như vậy, bị lưu ban là điều thật dễ hiểu.

Ngay lúc ấy, bỗng cô giáo chủ nhiệm lớp con thoáng ngoài cửa sổ Thầy hiệu phó bước ra ngoài. Lớp con, người thì ngơ ngác, người thì phá lên cười “Chắc thầy mới nên nhầm nhọt ấy mà!”. Nhiều người còn khúc khích “cá cược” xem thầy sẽ xử lí chuyện này thế nào để tránh bị “mắc cỡ”!

Lát sau, thầy hiệu phó bước vào. Ánh mắt thầy nhìn lớp đã dịu đi nhưng giọng nói vẫn còn rất nghiêm:

– Thầy rất tiếc đã trách lầm các em. Các em phần lớn đều là những học sinh ngoan, không phải là học sinh lưu ban như thầy lầm tưởng.

Lớp con ồ lên cười.

– Nhưng!

Cả lớp lại nín thinh nghe thầy nói:

– Đây là phòng dành cho Ban Giám hiệu trao đổi với học sinh lưu ban của trường về tình hình của em ấy trong năm học tới. Vào năm học, đây sẽ là phòng tiếp phụ huynh học sinh! Cán bộ lớp đâu?

Ba đứa chúng con mặt tái mét nhìn nhau run run đứng dậy. Con lấy hết can đảm:

– Thưa thầy, chúng em xin lỗi thầy ạ. Chúng em đưa lớp về nhầm phòng. Chúng em xin rút kinh nghiệm lần sau ạ…

Có lẽ lúc ấy nhìn điệu bộ ba đứa chúng con đáng thương quá nên thầy phải hạ giọng để chúng con đỡ lo lắng:

– Nhầm lẫn là chuyện bình thường các em ạ. Nhưng lần sau các em phải chú ý hơn kẻo lớp toàn học sinh khá giỏi lại bị mắng là lưu ban, là vô kỉ luật thì oan lắm!

Chúng con gượng cười, cái cười méo xệch, vì vừa buồn cười lại vừa xấu hổ, lo lắng. Cả lớp lí nhí chào thầy rồi lục tục đi lên tầng hai. Thì ra khi nãy, cô chủ nhiệm lên lớp không thấy chúng con đâu liền hỏi các thầy cô khác thì được chỉ xuống phòng “học sinh lưu ban”. Nghe vậy, cô vội đi xuống ngay, e rằng giữa một thầy hiệu phó nghiêm khắc, thẳng thắn với một lớp học sinh hiếu động, nông nổi lại bị “đặt tiếng oan” sẽ “xảy ra chuyện”! Các bạn lớp khác nhìn qua cửa sổ chỉ trỏ lớp con rồi cười một cách. . khó hiểu.

Xem thêm:  Giới thiệu danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Vịnh Hạ Long

Buổi gặp mặt đầu năm kết thúc. Câu chuyện lan nhanh đi đến nỗi lúc tan trường, ai nhìn thấy ba đứa con cũng đùa:

– Tớ nghe nói lãnh đạo lớp ấy đang đưa cả lớp tiến lên lưu ban hết à!

Con cũng cười đáp lại nhưng trong lòng thì xấu hổ vô cùng. Chỉ vì ham nói chuyện riêng mà con đã làm lỡ chuyện của cả lớp lại còn khiến lớp bị trêu cười. Từ nay, con càng phải cố gắng là một lớp trưởng mẫu mực, một học sinh gương mẫu để những thành tích của lớp và của con khiến mọi người quên đi câu chuyện hôm nay… 

Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú – Bài số 4

Vào một thứ hai đầu tuần, tiết đầu tiên của lớp em là tiết Văn. Cả lớp em ai cũng mong là cô Tám sẽ vẫn dạy chúng em ở môn học này…..Nhưng có lẽ là không…….Một cô giáo rất lạ bước vào lớp. Cả lớp em sững sờ nhìn cô và có một bạn ở phía cuối lớp hỏi: “Cô ơi! Cô giáo của chúng em đâu rồi ạ?” Cô trả lời: “Cô của em đã chuyển trường dạy rồi! Cô ấy sẽ không dạy trường này nữa!

Từ hôm nay cô sẽ là giáo viên phụ trách môn Văn của các em. Lúc đó, cả lớp rất buồn! Khi về nhà, em chạy ngay vào phòng kể cho mẹ nghe.

Tiết học hôm đó, đột nhiên lại buồn bã, không sôi nổi như lúc trước. Hết tiết học, có bạn trong lớp khóc vì không biết cô dạy ở đâu, làm gì, có vui vẻ như ở đây không… rất nhiều câu hỏi đặt ra. Nhưng sẽ không có câu trả lời…….! Mẹ ơi! Con có giác rất khó chịu, mỗi khi nhớ đến cô, con lại không kìm được nước mắt!

Cô Văn của con là một người nhỏ con, tóc dài, uốn rất đẹp! Cô mặt áo dài rất xinh! Mắt của cô hiền từ như bà tiên. Khi cô ngồi trên ghế đá, dưới góc “hoa học trò” cô tâm sự với chúng con về những câu chuyện học hành, bạn bè, gia đình,….! Cô càng hiền dịu hơn khi những lá phương màu vàng rơi nhè nhẹ xuống!

Con nhớ những nhớ lúc cô giảng, giọng cô thật ấm áp, dịu dàng, làm cho các bài học rất dễ đi vào lòng người khác. Khi học xong, cô lại kể những chuyện cổ tích, hài, hay là chuyện của cô! Nhưng giờ đây sẽ không còn nghe được giọng nói ấm áp của lúc trước nữa! Dù cô giáo bây giờ giảng rất hay nhưng không thể làm con quên được cô! Con yêu cô lắm! Cô không làm cho chúng con run sơ mỗi khi làm bài kiểm tra! Cô lại tuyên dương, khen thưởng những bạn có thành tích học tập tốt! Cô như một người bạn mỗi khi trò chuyện cùng con, lại như một người mẹ khi con buồn! Cô đối xử với các cô giáo cũng như học trò rất tốt, gần gũi và cũng được rất nhiều phụ huynh quí mến.

Con còn nhớ vào ngày sinh nhật của cô, chúng con góp tiền lại mua một chiếc bánh sinh nhật nho nhỏ, chỉ mong cô vui. Chúng con còn viết lên bảng những câu chúc mừng, vẽ những chiếc bánh kem, hoa, lá, có bạn còn vẽ chân dung của cô lên bảng nữa nhưng vẽ xấu lắm! Khi biết cô sắp lên lớp, chúng con ra đón cô và bịt mắt cô lại! Khi cô bước vào lớp, phòng học tối lắm, và những cây pháo nho nhỏ được thắp lên, chúng con hát Chúc mừng sinh nhật cô! Cảnh lúc ấy thật đẹp, lung linh! Lúc đó cô rất cảm động và… cô đã khóc….những giọt nước mắt hạnh phúc! Cô trò ta còn chụp hình và trét bánh kem vào mặt nữa! Lúc đó thật vui……nhưng….bây giờ… sẽ không còn cơ hội nữa!

Vào ngày khai giảng năm học, chúng con rất buồn, không ai nở nụ cười nào. Nhưng….lúc ấy chúng con thấy được một bóng người quen thuộc- người mà chúng con thường thấy khi giảng bài, trò chuyện……chính là cô….. cô giáo dạy Văn! Bấy giờ không còn những giọt nước mắt buồn nữa thay vào đó là những nụ cười hạnh phúc khi cô trở lại! Chúng con ùa ra, ôm cô, những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống! Cảm giác thật bất ngờ và hạnh phúc, một cảm giác mà không có lời văn nào diễn đạt được!

Lúc trước, chúng con cứ ngỡ sẽ không nghe được giọng nói ấm áp của ngày xưa. Và lúc ấy,chúng con lại nghe được giọng nói đó, những câu hỏi như: Con có khỏe không? Con học thế nào? Có quen với cô giáo mới không? Không chỉ chúng con, mà những anh chị lớp lớn – những người mà gặp cô lâu hơn chúng con, cũng ra đón cô và cũng…khóc! Chúng con còn định nâng cô lên nhưng cô không chịu! Sau khi gặp tụi con, cô vào trong và gặp những thầy cô cũ! Thầy cô ở trường cũng rất bất ngờ!

Ngày khai giảng năm nay đột nhiên lại có cảm giác vui vẻ lạ thường mà cô Văn mang đến! Khi hết chương trình chúng con lại ra ôm cô! Có bạn còn xách cặp giúp cô! Cô chủ nhiệm lớp con còn lấy máy ra chụp tụi con và cô! Khi nói chuyện với cô thì mới biết cô bị điều đi vào trường Nguyễn Thị Minh Khai- một ngôi trường thuộc loại khá giỏi! Chắc ngày hôm đó là ngày hạnh phúc nhất của chúng con! Cô còn hứa là ngày 20/11 cô sẽ về trường để thăm tụi con! Chúng con rất mừng khi cô nói như thế!

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Nam quốc sơn hà cực hay và sâu sắc

Nhưng cuộc vui nào cũng có khi tàn, chúng con ôm cô như chưa ao giờ ôm, không muốn buông tay ra! Sợ cô đi rồi sẽ không trở lại nữa! Và lúc ấy, người khóc là cô, những giọt nước mắt yêu thương, không muốn rời xa chúng con! Giot nước mắt từ từ lăn trên má cô, nhưng con không muốn cô khóc! Các bạn đã cố gắng cười khi cô đi! Và…..cô đã đi……bóng của cô từ từ mờ dần và….khuất xa tầm mắt!

Kể xong mẹ em khuyên: “Con đừng buồn nữa và cũng đừng khóc, nếu cô Văn biết con buồn thì cô có vui không? Thôi, nín đi con! Cô sẽ trở lại mà! Nhưng cô đi, đâu phải là do cô muốn đâu! Nhà trường điều đi mà! Theo mẹ biết thì cô con đã dạy trường con được 17 năm rồi! Đến lúc cô phải đi thôi! Con hãy thông cảm cho cô và hãy cố gắng học tập nha con!” Nghe lời mẹ, em không khóc nữa, nhưng hình bóng của cô sẽ in mãi mãi trong tim của em và các bạn! Cô ơi…..!

Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú – Bài số 5

Sau bữa cơm chiều rất thú vị, một ấm nước trà nóng được mẹ pha cùng với khay, chén chu đáo đặt trên bàn. Cả nhà quây quần bên bàn nước. Tôi vui miệng kể cho bố mẹ và em tôi nghe một câu chuyện lí thú của lớp 7A chúng tôi: Chúng tôi diễn kịch. Phải công nhận câu chuyện hấp dẫn vì thấy bố tôi ngừng đọc báo lắng nghe, mẹ mời bố chén trà nóng rồi cùng nhìn thôi chờ đợi, thằng Cao Thái Sơn em tôi thì cứ luôn miệng kể chuyện anh diễn kịch đi, anh Trung…

Trường con có tổ chức một hội thi diễn kịch. Các lớp đã chuẩn bị trong một số ngày vừa qua. Chiều nay, tất cả đã công diễn để chọn giải cho các vở diễn.

Lớp con quyết định chọn vở kịch về người anh hùng các nước ta thời nhà Trần chống quân Nguyên. Con được phân công đóng vai chính là Phạm Ngũ Lão vì người con to và khỏe nhất bọn. Bạn lớp trưởng tham gia đạo diễn, chỉ bảo các vai từng li từng tí một. Bạn Sơn có hoa tay, nên vẽ rất giỏi, được phân công làm voi bằng vải để hai người chui vào trong. Bạn Đông Nhi – tổ trưởng tổ con và bạn Phạm Trưởng đóng vai hai lính hầu của Hưng Đạo Vương. Bạn Khánh Phương làm Hưng Đạo Vương ra dáng lắm, chắp tay sau lưng, đi đi lại lại. Thỉnh thoảng lại đưa tay lên cằm như để vuốt râu (thực ra lúc đó Khánh Phương có động tác như sờ râu thì đúng hơn). Đùn đẫy mãi, không ai chịu chui vào làm voi. Cuối cùng, Đàm Vĩnh Hưng và Đan Trường xung phong. Các vai sau khi phân công đã khẩn trương tập dượt cho đến ngày biểu diễn. Và chiều nay, hội thi đã được thực hiện tại hội trường của trường, ngay trên sân khấu sánh rực ánh đèn… chúng con, đứa nào cũng rộng ràng như những diễn viên thực thụ…

Vào buổi chiều, tất cả đã nhập vai. Con không còn vừa "đan sọt" vừa nói leo với các bạn nữa. Khánh Phương không còn khó khăn khi leo lên con voi giả nữa. Đông Nhi và Phạm Trưởng giờ đây như những tên lính hầu thực sự. Hải còn đi xin thầy hiệu trưởng "vũ trang" cho các nhân vật trong vở kịch.

Chiều hôm ấy, sau khi kịch biểu diễn, tất cả các khôi 7 và 8 tập trung dưới sân. Chẳng hiểu các bạn 7B nói trêu Phạm Trưởng cái gì, mà trông vẻ mặt nó rất tức. Lúc đang biểu diễn, bạn Phạm Trưởng mang theo cái tức đó vào cuộc. Lên đến đoạn Phạm Ngũ Lão bị "tên lính Phạm Trưởng" – lính của Hưng Đạo Vương – cầm cây gậy nhựa chọn cho con một cái rõ mạng, đau ơi là đau. Nhóm kịch của chúng con được giải nhất và con được giải diễn viên nhí xuất sắc. Lúc ra về thầy hiệu trưởng thấy con di khập khiễng, thầy hỏi vui "Ồ! Lão cứ đi tập tễnh thế". Nghe vậy, cả bọn con cười thật thoại mái. Thằng Tuấn mặt cứ đỏ lựng. Bố mẹ thấy lớp con có vui không?  

Cả nhà đều cười. Mẹ bảo em: "Các con đoàn kết, vui vẻ như thế, bố mẹ rất mừng đấy". Nghe mẹ nói, em sung sướng vô cùng.

Nguyễn Tuyến tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

Check Also

top 10 anh hot girl hoc sinh cap 2 viet 12 310x165 - Cảm nhận của em về tình yêu của cậu bé Hồng dành cho mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ

Cảm nhận của em về tình yêu của cậu bé Hồng dành cho mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ

Cảm nhận của em về tình yêu của cậu bé Hồng dành cho mẹ trong …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *