Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận
Bài làm
Tác giả Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong thời kì trước Cách mạng tháng Tám. Sau cách mạng, hòa bình lập lại, những trang thơ của ông tràn ngập hơi thở sức sống mới, trong đó có bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ đã vẽ lên một bức tranh lao động trên biển tuyệt đẹp, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và sức sống mãnh liệt của những người lao động thời kì mới.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá vào lúc hoàng hôn:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa…
Câu hát căng buồm với gió khơi”
Hình ảnh mặt trời lặn trên mặt biển đỏ rực như hòn than cũng là thời điểm ngư dân bắt tay vào công việc thường ngày. Mặt biển dường như ấm áp hơn bởi những tiếng hát, tiếng há hào vào gió thổi căng cánh buồm đẩy thuyền ra khơi. Lời bài hát chính là lời ca ngợi sự hào phóng của biển cả cùng với vẻ đẹp kì diệu của nó:
“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng…
Đến dệt lưới ta đàn cá ơi”
Dưới bút pháp lãng mạn của nhà thơ khung cảnh hiện lên vừa thực, vừa ảo, vẻ đẹp của biển cả đã tạo nên sức mạnh và niềm vui cho người lao động, giúp cho ngư dân có niềm tin chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trong đêm được tác giả hóa thân vào thiên nhiên, công việc và con người để miêu tả:
“ Thuyền ta lái gió với buồm trăng…
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
Người ngư dân đi đánh cá cũng như đi đánh trận thực sự, họ thăm dò bãi cá, tìm thế trận để giăng lưới sao cho trúng luồng cá để được bội thu. Cuộc sống của ngư dân đã bao đời gắn liền với biển cả, họ thuộc biển, thuộc bao loài cá:
“Cá nhụ cá chim cùng cá đé…
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”
Bài ca gọi cá vẫn được ngân vang và ngày càng náo nức, tha thiết, hình ảnh ánh trăng thật gần gũi với ngư dân, trăng cùng gió đập và mạn thuyền như gõ nhịp câu hát, trăng soi sáng cho ngư dân kéo mẻ cá đầy. Bao công lao vất vả của ngư dân đã được đền đáp:
“Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng…
Lưới xếp buồm lên đón nắng đông”
Bóng dáng người ngư dân in trên nền trời hồng của rạng đông, họ choãi chân, nghiêng người và dồn hết sức mạnh vào đôi cánh tay kéo lên những mẻ lưới nặng trĩu. “Đón nắng hồng” gợi lên cảm giác thanh thản, vui tươi và thoải mái của ngư dân khi bội thu trong chuyến ra khơi. Khổ thơ cuối miêu tả cảnh trở về của đoàn thuyền:
“Câu hát căng buồm với gió khơi…
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”
Tiếng hát của ngư dân chính là tiếng hát của con người lao động làm chủ cuộc đời, hình ảnh “chạy đua cùng mặt trời” vừa hiện thực vừa hào hùng, phản ánh khí thế đi lên mạnh mẽ của người ngư dân trong công cuộc xây dựng đất nước.
Có thể thấy, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là một bài ca lao động đầy hứng khởi và hào hùng, không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, biển cả mà còn ca ngợi những con người lao động trong thời kì mới, họ gan góc, cần cù và ngày đêm làm giàu cho đất nước.