Home / Ngữ văn / Ngữ văn lớp 8 / Hãy nói không với các tệ nạn xã hội – Văn mẫu lớp 8

Hãy nói không với các tệ nạn xã hội – Văn mẫu lớp 8

Hãy nói không với các tệ nạn xã hội – Bài số 1

Cùng với nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của con người ngày càng được cải thiện, không chỉ về vật chất mà cả trên lĩnh vực tinh thần, thẩm mĩ. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực thì cũng tồn tại rất nhiều mặt trái của sự phát triển đấy. Một bộ phận không nhỏ những con người trong xã hội vì đã có cuộc sống vật chất no đủ, dư thừa mà sa đà vào những hoạt động tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình cũng như xã hội. Những hoạt động tiêu cực ấy không chỉ nằm ở phạm vi nhỏ hẹp nữa mà nó đã trở thành vấn nạn của xã hội ngày nay, mà người ta vẫn gọi chung những tiêu cực ấy với cái tên là tệ nạn xã hội.

Tệ nạn xã hội là những vấn nạn tiêu cực, nhức nhối, gây ra những hậu quả khôn lường không chỉ cho bản thân của người tạo ra nó mà còn mang đến những rắc rối, đau khổ cho những người thân và toàn xã hội. Ngày nay, thực trạng tệ nạn xã hội thực sự đã trở thành một vấn nạn lớn của xã hội, thu hút sự qua tâm của đông đảo của những con người trong xã hội. Nói một cách công bằng thì tệ nạn xã hội thời nào cũng có, chẳng hạn như trong xã hội phong kiến xưa, tệ nạn xã hội gồm những hoạt động tiêu cực như: cờ bạc, cường hào áp bức, rượu chè, thuốc phiện…. Ngày nay, những tệ nạn này phần nào vẫn tồn tại, nhưng bên cạnh đó còn có sự gia tăng, phát triển những tệ nạn mới gây ra nhiều nhức nhối hơn cho con người như: ma túy, tham nhũng, mại dâm, hút chích các loại thuốc kích thích gây hại cho sức khỏe của con người.

Đất nước ta đang phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì vậy mà hoạt động nông nghiệp không còn phát triển mạnh mẽ, chủ đạo như trước, hoạt đống sản xuất công nghiệp dần dần thay thế,  các khu đô thị mọc lên ngày càng nhiều. Người dân ở những vùng nông thôn vì bán đất, bán ruộng cho những nhà kinh doanh, những chủ xí nghiệp mà có những khoản tiền dư giả trước mắt. Những nguồn tiền lớn như vậy, họ không biết làm gì nên một bộ phận không nhỏ những người, đặc biệt là những người thanh niên không có mục đích sống đã sa vào những tệ nạn, dùng số tiền đó để ăn chơi trác táng. Cũng từ đó mà làm nảy sinh những tệ nạn xấu của xã hội.

Một trong những tệ nạn đang gây nhức nhối của xã hội ngày nay có thể kể đến tệ nạn ma túy. Ma túy là một loại thuốc kích thích có thể gây nghiện cho người sử dụng, vì vậy mà một khi đã sa vào con đường ma túy thì khó có thể dứt ra được. Bởi nó tạo cho con người một cảm giác kích thích, mơ hồ, khi không dùng thì sẽ lên cơn nghiện, cơ thể sẽ trở nên vô cùng bứt dứt, khó chịu. Trong những lúc như vậy, con người có thể làm ra những hành động sai trái, những hành động mà lí trí của con người không thể kiểm soát được. Cũng chính vì vậy mà bao nhiêu vụ việc thương tâm đã sảy ra từ tệ nạn này. Con nghiện có thể cướp đoạt những tài sản của người khác, cũng có thể là chính gia đình, người thân của họ. Khi không cướp được, có người còn sẵn sàng giết chết bố, mẹ, người thân bằng những hình thức man rợ, dã man nhất.

Đặc biệt, tệ nạn ma túy còn gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới  sức khỏe của con người, làm suy giảm nghiêm trọng hệ miễn dịch trong cơ thể, làm cho con người không còn khả  năng đề kháng với bất kì loại vi rút nào, loại bệnh nào. Người ta gọi loại bệnh này với cái tên y khoa là HIV _AIDS. Đây được coi là căn bệnh thế kỉ mà đến bây giờ vẫn chưa có loại thuốc nào có thể chữa trị, người vô tình mắc phải nó hay do lây nhiễm thì chỉ có một kết cục cuối cùng, đó là chết. Không chỉ là một loại bệnh nguy hiểm mà HIV_AIDS còn là loại bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, căn bệnh này có thể lây lan qua ba con đường chính, đó là con đường tình dục, từ mẹ lây sang con và lây qua con đường máu.

Vì vậy mà HIV_ AIDS đã trở thành một hiểm họa khôn lường trong xã hội, nó đã đang và sẽ gây nhức nhối cho cuộc sống của con người nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn, duy trì. Nó sẽ làm suy giảm cả một xã hội, gây ra nhiều vụ việc đau thương, mất mát. Không chỉ có tệ nạn ma túy mà rất nhiều tệ nạn khác như: tham nhũng, mại dâm, cờ bạc cũng đang là những vẫn đề vô cùng nhức nhối trong xã hội, nó dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự sa đọa của con người trong lối sống, cách sống. Nó đặt ra yêu cầu là cần có giải pháp cụ thể, ưu việt để giải quyết tận gốc những tệ nạn này.

Tệ nạn xã hội là mặt trái của nền sản xuất kinh tế phát triển, của đời sống nâng cao, đủ đầy của ngày nay. Nhưng trên hết những tệ nạn này bùng nổ gây ảnh hưởng đến xã hội lại do chính ý thức không tốt của con người. Con người ngày nay có một bộ phận lớn sống không có mục đích, không tìm kiếm được ý nghĩa thực sự cuộc sống, sự vô tình, một phút lỡ lầm cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường không chỉ đối với bản thân họ mà còn đối với gia đình và xã hội. Vì vậy, để giảm thiểu tệ nạn xã hội rồi đi đến tiêu diệt nó thì chúng ta, những con người trong xã hội cần nâng cao ý thức, nói không với tệ nạn của xã hội. Chỉ có như vậy cuộc sống của chúng ta mới trở nên tốt đẹp, lành mạnh.

Hãy nói không với các tệ nạn xã hội – Bài số 2

Có khi nào bạn thử thống kê xem trong tháng này có bao nhiêu người đã vướng vào ma tuý, trong năm này có bao nhiêu người chết vì dùng nó quá liều hay vì AIDS chưa? Có bao giờ bạn vào một trung tâm cai nghiện và thấy cảnh vật vã của bệnh nhân vì đói thuốc?… Đó là sự khắc nghiệt đến tàn nhẫn sau làn khói tưởng nhẹ nhàng mong manh, đó là sự khốn cùng của những linh hồn thiếu nghị lực muốn tìm đến chốn thần tiên êm ái. Vậy mà biết bao con người vẫn tìm đến ma tuý với đủ mọi lí do để biện hộ cho sự yếu đuối, dễ sa ngã của mình. Xã hội lên tiếng, nhân loại lên tiếng, nhưng có ích gì nếu mỗi con người không tự tạo tiếng nói cho chính mình? Tiếng nói “không” của mỗi chúng ta trước sự cám dỗ của ma tuý là thứ thuốc kháng sinh duy nhất mà xã hội cần để ma tuý không còn là nỗi ám ảnh của nhân loại, để hôm nay đẹp hơn hôm qua trên một thế giới vốn đã xảy ra quá nhiều thảm hoạ.

Ma tuý là những chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp mà khi ngấm vào cơ thể con người sẽ thay đổi trạng thái ý thức, trí tuệ, tâm trạng, kiến con người rơi vài vòng “cương toả” của thứ thuốc độc giết người này. Thế nhưng thực tế không phải ai cũng biết những hậu quả tai hại mà nó gây ra, để rồi lao đầu vào như điên dại. Kết cục là gì? Con người bị tổn thương, xã hội bị tổn thương, đời sống dần trở nên bế tắc. Tác hại mà ma tuý gây ra cho con người là vô tận. Hằng ngày trên sách báo, truyền hình hay từ bên ngoài cuộc sống, hình ảnh nhừng con nghiện nhan nhản hiện ra trước mắt ta, gầy yếu, xanh xao, bước những bước vật vờ, người khô đét, mặt quắt lại khiến đôi mắt càng trũng sâu hơn như một bóng ma. Ma tuý cướp lấy sự sống con người, khiến người chẳng ra hình người. Khi đã vướng vào ma tuý thì một người khoẻ mạnh cũng sớm trở nên vô dụng, không thể kiểm soát nổi bản thân thì còn nói gì đến lao động và học tập. Quá trình mà một người nghiện trải qua ban đầu là quen, rồi nhớ đến ghê người cái làn khói mong manh chết người ấy; nếu không có nghị lực tự vượt lên chính mình thì sẽ càng lún sâu vào con đường nghiện ngập, từ hút đến tiêm chích, từ bệnh nghiện đến bệnh AIDS chỉ là một ranh giới nhỏ nhoi. Để rồi kết thúc một số phận người, có khi tuổi đời còn rất trẻ. Đâu chỉ tàn phá về mặt thể xác, ma tuý còn mài mòn tinh thần con người. Nhân cách bị huỷ hoại, sĩ diện cũng tiêu tan sau những cơn vật vã. Thế thì còn chỗ đâu cho nghị lực ngự trị, cho lòng tốt và tình thương?

Xem thêm:  Giải Sinh lớp 12 Bài 15: Bài tập chương 1 và chương 2

Con người trong đời sống này như một tiêu điểm, ở đó giao nhau chằng chịt những mối quan hệ phức tạp về chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học, tình cảm… Chính vì vậy, khi con người đã tê liệt mọi khả năng cống hiến của mình cho đời thì xã hội buộc phải gánh lấy hậu quả. Tệ nạn bắt đầu nảy sinh, từ cờ bạc, trộm cắp cho đến cả giết người… Con đường ấy có chừa một ai! Một anh nhà giàu khi lên cơn thì cũng tiêu pha hết. cả bạc tiền, một anh nhà nghèo khó cũng bán tống bán tháo tất cả mọi của cải trong nhà. Đến một đứa con vốn hiếu thảo với mẹ cha rồi cũng sẵn sàng lấy cắp tiền của cha mẹ thì còn nói chi một kẻ giang hồ sẽ dám làm những gì để không phải vật vã vì thiếu thuốc? Tương lai của họ là trong trại cai nghiện hoặc tù giam. Hạnh phúc của họ cũng tiêu tan như làn khói. Xã hội lại càng ngày thêm nặng nề với đầy những tệ nạn và sự cảnh giác. Trong số người nghiện ma tuý, nhiễm HIV/ AIDS có đủ các thành phần từ bác sĩ, kĩ sư, công chức nhà nước, công nhân, nhà giáo, học sinh… Thậm chí có người lao động không chỉ nghiện ma tuý mà còn tiếp tay vào việc buôn bán, vận chuyển, phát tán ma tuý. Sự nhân rộng của ma tuý trong cộng đồng đã trở thành nỗi ám ảnh cho biết bao gia đình, cho mọi quốc gia trên thế giới.

Đấu tranh phòng chống ma tuý là mặt trận nóng bỏng, bức xúc còn được cả xã hội quan tâm. Ngày toàn dân phòng chống ma tuý của Việt Nam được chọn đúng vào ngày thế giới phòng chống ma tuý: 26/6 hằng năm. Điều đó nói lên rằng, hiểm hoạ ma tuý không chỉ là thách thức đối với sự ổn định của xã hội và phát triển lành mạnh ở nước ta mà ma tuý là một nguy cơ đối với toàn thế giới. Vì thế, cuộc đâu tranh nói “không” với ma tuý từ lâu đả trở thành cuộc chiến toàn cầu. Tiếng nói này trước tiên phải xuất phát từ hoàn cảnh sống. Tạo một môi trường lành mạnh, chông tiêu cực là nhiệm vụ tiên quyết cần thực hiện từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Tương lai đất nước phụ thuộc không ít vào thế hệ học sinh. Ngày mai sẽ ra sao khi nạn nhân chủ yếu nhất, dễ bị lôi kéo nhất vào ma tuý lại thuộc thế hệ này? Mối quan tâm từ ba nhân tố gia đình, nhà trường và xã hội sẽ tạo ra không khí và môi trường trong sạch nhất cho những mầm cây non lớn lên xanh tốt trước nắng gió cuộc đời. Gia đình quản lí, nhà trường giáo dục, xã hội tuyên truyền để cốt làm sao cho bản thân mỗi chúng ta tự nhận thức được tác hại của ma tuý mà tránh xa. Không có rào cản nào an toàn bằng ý thức của mỗi con người. Chính ý thức ấy sẽ làm sống lại ý chí, nghị lực đối với những ai lỡ vướng vào con đường nghiện ngập. Không ít tấm gương đã vùng thoát khỏi bàn tay tử thần bằng cách tự cai nghiện ở nhà hay tại các trung tâm cai nghiện. Không ít cá nhân đã làm lại cuộc đời, làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng trước vốn quen tiêu pha, hút chích. Tuy nhiên, nói thế nào thì hai nhân tố con người và môi trường cũng phải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Một người bản lĩnh nhất vẫn có thể tái nghiện như thường nếu môi trường anh ta sống không trong sạch và thường xuyên bị lôi kéo. Gia đình cần quan tâm, xã hội cần giúp đỡ. Ta kiên quyết nói “không” với tệ nạn ma tuý không có nghĩa là nói “không” với những ai đã lỡ nghiện ma tuý, thậm chí lỡ mắc phải căn bệnh thế kỉ. Đưa họ về đời sống bình thường, quan tâm, chăm sóc họ là tạo cơ hội cho họ và cũng tạo cơ hội cho chính bản thân ta. Riêng đối với xã hội, việc xây dựng các trung tâm cai nghiện, xoá bỏ cơ bản các diện tích trồng thuốc phiện kết hợp công tác tuyên truyền sâu sát theo cách “vào từng ngõ, gõ từng nhà” đã mang lại hiệu quả nhất định, ngăn ngừa tối đa sự lan tràn của tệ nạn ma tuý. Việt Nam đang hoà cùng với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống ma tuý, để ma tuý không còn là gánh nặng của xã hội, không còn là nỗi ám ảnh của con người.

Có lẽ không ai muốn thống kê xem tỉ lệ người nghiện ma tuý hằng năm tăng lên bao nhiêu lần, có lẽ chẳng ai thích ngồi trước ti vi mà cảm thương lẫn trách thầm những số phận bị cướp đi một cách nghiệt ngã vì ma tuý… Mỗi cá nhân hãy tự gióng lên cho mình tiếng chuông cảnh tỉnh để xã hội không phải tuyên truyền, để những bậc làm cha, làm mẹ không phải hao mòn nước mắt và công sức vì con, để tương lai chính mình không phải tự vùi trên giường bệnh hay huyệt mộ u tối. Nói “không” với ma tuý là cách tốt nhất loại bỏ cái mầm độc chất trên thân thể xã hội, trong bản thân mỗi con người để nhân loại ngày một tốt đẹp hơn, để tình thương thay cho những hận thù. 

Hãy nói không với các tệ nạn xã hội – Bài số 3

Ma túy là bệnh, là hệ quả của cả một nền văn minh lấy kỹ thuật và thị trường làm gốc, là triệu chứng của một cuộc “tổng khủng hoảng”. Khi con người đâm ra nghiện một chất gì thì đó là triệu chứng của một tâm trạng gồm ít hay nhiều yếu tố thất tình, thất thế, thất nghiệp, thất chí, thất sủng, thất vọng (tất cả những từ này đều hiểu theo nghĩa rộng).  

Khác với chứng nghiện ngày xưa thường xảy ra trong một thiểu số trung niên, có tiền, có vai vế trong xã hội, những người nghiện ma túy ngày nay phần lớn là thanh thiếu niên. Xu hướng chung là chúng tự tách mình ra khỏi xã hội của người lớn, tập hợp với nhau tạo ra một nền văn hóa xã hội đối nghịch”. Đó là đặc điểm nổi bật của nạn ma túy cuối thế kỷ 20, cả một thế hệ thanh thiếu niên để tự khẳng định minh, đồng thời phủ định và phủ nhận cả một nền xã hội, văn hóa mà cha anh đã dựng nên. Có thể nhận ra ở đám thanh thiếu niên ấy một hội chứng tâm lý gồm những yếu tố sau:  

Xem thêm:  Bức tranh phố huyện nghèo qua truyện ngắn “Hai đứa trẻ” Thạch Lam – Văn lớp 11

– Tình cảm gia đình bị sứt mẻ, gia đình không còn là tổ ấm nữa.   

– Bị thất thế, không tìm được chỗ đứng trong một trường học quá nặng nề nhồi nhét kiến thức trừu tượng, không dành chỗ cho văn nghệ, thể thao, cho thủ công, máy móc và công nghệ, không giúp cho thanh thiếu niên nên vui vẻ hợp tác với nhau, trái lại lấy việc hơn thua làm cứu cánh. Nhà trường ấy tiến tới đào thải đại đa số, đẩy họ vào những ngành nghề không phù hợp với nguyện vọng và năng khiếu.    

– Hẫng hụt về tình cảm gia đình, thất thế ở nhà trường, từ 8 – 9 tuổi trở đi, trẻ em đã bắt đầu bỏ nhà đi la cà đường phố – một môi trường hết sức phong phú, đầy rẫy cám dỗ. Để tự khẳng định, để làm ra vẻ “người lớn”, chúng sa vào những kiểu tiêu xài “chơi sang”. Bước đầu thường từ điếu thuốc lá, dù cho điếu thuốc đầu tiên ấy gây ra sự chóng mặt, nôn ọe cũng cố gắng hút cho được để tự khẳng định, để được hòa nhập vào các nhóm bạn bè, sau đó là ma túy chỉ trong gang tấc…  

– Những nhóm bạn bè chung quanh điếu thuốc cốc bia, cờ bạc tạo ra tư tưởng đối nghịch với xã hội văn hóa của người lớn, rồi tập hợp thành băng nhóm, chấp nhận một thủ lĩnh có quyền lực tuyệt đối! Một mình thì nhút nhát rụt rè, nhưng một khi đã nhập băng thì bất chấp pháp luật, luân lý, có thể dẫn đến những tội phạm nặng nhất như cướp của giết người.  

– Một đặc điểm tâm lý chung của thanh thiếu niên là không chịu được sự hẫng hụt, ấm ức, không tự kiềm chế được đòi hỏi giải tỏa ấm ức bằng cách hoặc thông qua một hành vi hung bạo, hoặc nhờ một chất ma túy.   

Bệnh chứng nào cũng vậy, chăm chữa lúc mới chớm nở bao giờ cũng dễ hơn là để lâu năm ăn sâu vào con người. Cải tạo được một thanh niên nghiên ma túy hay phạm pháp đòi hỏi rất nhiều công phu, tiền bạc mà không mấy khi thành công. Ngăn ngừa một em bé 9 – 10 tuổi đừng hút thuốc lá là cách phòng ngừa phạm pháp có lẽ là hay nhất. Ngăn ngừa không có nghĩa là trừng phạt, cấm đoán mà làm sao cho em bé đó hết mặc cảm “thất tình” trong gia đình, không còn “thất thế” ở trường học, không thấy cần phải la cà đường phố mới có dịp tự khẳng định. Câu chuyện quả là không đơn giản.

Hãy nói không với các tệ nạn xã hội – Bài số 4

Chúng ta đang sống trong một đất nước không ngừng phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Để làm được điều đó, chúng ta phải vượt qua các trở ngại, khó khăn. Một trong số đó là các tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, văn hóa phẩm đồi trụy. Nhưng đáng sợ nhất chính là ma tuý. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tác hại to lớn của ma túy để phòng tránh cho bản thân, gia đình và xã hội.

Để phòng chống một tệ nạn thì chúng ta cần biết rõ về tệ nạn đó. Ma túy là một loại chất kích thích, gây nghiện có nguồn gốc từ cây túc anh hoặc nhựa cây thuốc phiện được trồng ở 12 tỉnh miền núi phía Bắc Việt nam hay từ lá, hoa, quả cây cần sa được trồng ở các tỉnh giáp ranh biên giới Việt Nam – Campuchia. Đặc biệt là ma túy có một ma lực dẫn dụ ghê gớm, khiến người bị dính vào không thể cưỡng lại được, chẳng khác gì “ma đưa lối, quỷ đưa đường”. Ma túy tồn tại ở nhiều dạng như tép, nước, bột, hồng phiến, bạch phiến, thuốc…và được sử dụng bằng nhiều hình thức hút, chích, hít…Nó được coi là tệ nạn đáng sợ nhất vì sức dẫn dụ con người không kể tuổi tác và khả năng gây nghiện nhanh chóng. Hơn thế nữa, ma túy còn là ngọn nguồn của những tệ nạn xã hội khác. Trước tiên, nó gây hại trực tiếp đến người nghiện. Về sức khỏe, ma túy gây ra các bệnh khôn lường cho cơ thể. Người nghiện sẽ bị hư hại niêm mạc mũi nếu dùng ma túy theo dạng hít, có khả năng ngưng thở đột ngột, gây nguy hiểm tính mạng. Chúng ta thường nghe nói ma túy rất có hại nhưng mấy ai hiểu được tác hại thật sự của nó, hút thì cơ quan chịu ảnh hưởng là phổi. Phổi sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, gây ung thư phổi, viêm đường hô hấp, nhiễm trùng phổi…Và nguy hiểm nhất là dùng ma túy dạng chích, đây là con đường ngắn nhất dẫn đến AIDS. Người tiêm đâu có biết rằng trên mũi kim là hàng vạn quả cầu gai gây căn bệnh thế kỉ hiểm nghèo, cứ thế họ truyền tay nhau tiêm chúng, đưa virus vào máu của mình. Ở những tụ điểm tiêm chích, họ còn pha thêm các chất bẩn gây áp-phê, hậu quả là các con nghiện phải cưa cụt tay chân hay nhiễm trùng máu. Ấy là chưa kể đến tình trạng bị chết do sốc thuốc. Câu chuyện “cái chết trắng” của nhà tỉ phú trẻ Raphael, chết ngay bên đường do dùng bạch phiến quá liều. Những người nghiện lâu ngày rất dễ nhận ra, người gầy gò, da xám, tóc xơ xác. Hệ thần kinh bị tổn thương nặng do ảnh hưởng của thuốc, kém tập trung, suy nghĩ, chán nản và thiếu ý chí vươn lên nên việc cai nghiện cũng khó khăn. Không chỉ dừng ở đó, tiêm chích ma túy còn hủy hoại con đường công danh, sự nghiệp của người nghiện. Đã có bao bài học, biết bao câu chuyện kể về những công nhân, kĩ sư… đã gục ngã trước ma túy, để rồi bị bạn bè, đồng nghiệp xa lánh, con đường tương lai tươi sáng bỗng vụt tắt, tối tăm. Và nhất là những bạn học sinh, tuổi đời còn quá dài mà chỉ vì một phút nông nỗi, bị bạn bè rủ rê đã đánh mất tương lai. Thật đáng thương! Ma túy không những gây hại cho người dùng nó mà còn cho cả gia đình của họ, khiến họ trở mất dần khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình. Những gia đình có người nghiện ma túy bầu không khí lúc nào cũng lãnh đạm, buồn khổ. Công việc làm ăn bị giảm sút do không được tín nhiệm. Nền kinh tế cũng theo đó mà suy sụp. Bởi những người một khi đã nghiện thì luôn có nhu cầu hơn nữa về ma túy, đồng nghĩa với việc họ phải có tiền, mà tiền thì lấy từ đâu? Từ chính gia đình của họ chứ không đâu xa. Rồi những người vợ, người mẹ sẽ ra sao khi thấy chồng, con mình vật vã khi thiếu thuốc, khi lìa bỏ cõi đời vì mặc cảm, vì bệnh tình đã tới giai đoạn cuối? Thật đau xót cho những gia đình bất hạnh có người nghiện ma túy. Không dừng lại ở đó, ma túy còn như một con sâu đục khoét xã hội. Khiến cho an ninh, trật tử, quốc phòng bất ổn. Khi muốn thõa mãn cơn ghiền, con nghiện không từ một thủ đoạn, hành vi trộm cắp, giết người nào để có tiền mua heroin, hoặc nổi máu anh hùng xa lộ, đua xe, lạng lách.

Xem thêm:  Soạn văn bài Tập làm văn: Luyện tập làm báo cáo thống kê

Những con nghiện mà không được gia đình chấp nhận sẽ đi lang thang làm mất vẻ mỹ quan,văn minh lịch sự của xã hội,vật vờ trên những con đường. Không chỉ thế, nhà nước, xã hội còn phải tốn tiền để tổ chức lực lượng phòng chống và giải quyết những thiệt hại do con nghiện gây ra. Mất tiền xây dựng các trại cải tạo, giáo dục, điều trị cho người nghiện. Một thiệt hại lớn mà ma túy gây ra cho nền kinh tế quốc gia là ngành du lịch bị giảm sút. Các bạn thử nghĩ xem, có ai dám đi du lịch sang một đất nước, một thành phố mà toàn người bị HIV/AIDS. Rồi họ sẽ nghĩ gì về nước ta, họ sẽ nhìn nước ta với ánh mắt khinh thường, chẳng ai dám đầu tư vào đây nữa. Quả là một mất mát, thiệt hại cho nước nhà! Nhưng các bạn đừng lo, nếu chúng ta biết cách phòng chống thì những mối nguy ngại trên sẽ được giải quyết, sẽ không còn tệ nạn ma túy nữa. Mỗi người phải có trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, giáo dục cho người thân mình sự nguy hiểm của ma túy để không ai bị chết vì thiếu hiểu biết. Luôn tránh xa với ma tuý bằng mọi cách, mọi người nên có ý thức sống lối sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, luôn tỉnh táo, đủ bản lĩnh để chống lại mọi thử thách, cám dỗ của xã hội. Đồng thời cũng lên án, dẹp bỏ tệ nạn bằng cách không tiếp tay cho chúng. Nếu lỡ vướng vào thì phải dùng nghị lực, quyết tâm, vượt lên chính mình để từ bỏ con đường sai trái. Bên cạnh đó nhà nước cũng phải đưa những người nghiện vào trường cai nghiện, tạo công ăn việc làm cho họ, tránh những cảnh " nhàn cư vi bất thiện", giúp họ nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống cộng đồng, không xa lánh, kì thị họ.

Ma túy quả là một con quỷ khủng khiếp nhất của gia đình và xã hội, còn hơn cả bệnh tật và đói khát. Chúng ta vẫn có thể phòng trừ nanh vuốt của con quỷ dữ này. Mỗi chúng ta phải nêu cao cảnh giác, chung tay ngăn chặn nó, mở rộng vòng tay đỡ lấy những người nghiện, đừng để họ lún quá sâu vào bóng tối. Đặc biệt là học sinh chúng ta phải kiên quyết nói không với ma túy, xây dựng một mái trường, một xã hội không có ma túy.

Hãy nói không với các tệ nạn xã hội – Bài số 5

Ở nước ta hiện nay xã hội đang ngày càng phát triển, sự giao lưu văn hóa với các nước đang ngày càng mạnh mẽ. Chính vì thế chúng ta có điều kiện nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần; tiếp thu những cái hay, cái đẹp của các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập đó cũng không thể không có những mặt trái của nó, đặc biệt là đối với giới trẻ hiện nay.   

Như chúng ta đã biết, tệ nạn xã hội đang là một vấn đề nan giải hiện nay. Vậy tệ nạn xã hội là gì? Tệ nạn xã hội là hiện tượng xã hội bao gồm những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và pháp luật, gây ra hậu quả xấu về mọi mặt đối với đời sống xã hội. Có rất hiều tệ nạ xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm, …trong đó tiêm chích ma túy là tệ nạn gây ra nhiều tác hại nhất đối với cá nhân, gia đình và xã hội.              

Ma túy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người, khi đã mắc phải. Trước hết là ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân người nghiện ma túy. Cơ thể của họ sẽ ngày một suy yếu, thân thể gầy gò, … và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, học tập, công việc. Tinh thần bị suy sụp do trong ma túy có nhiều chất tác động lên hệ thần kinh. Con người buồn, vui, nóng nảy, giận dữ bất cứ lúc nào. Khi đã nghiện ma túy thì người nghiện có nguy cơ bị các bệnh khác tấn công do hệ miễn dịch bị suy yếu. Khi đã nghiện nặng thì con người mất dần khả năng lao động và có thể dẫn đến cái chết. Khi lên cơn nghiện họ sẽ không còn làm chủ được bản thân, mất khiểm soát, điều đó sẽ dễ dẫn đến tấn công người khác. Không chỉ vậy, người nghiện ma túy còn làm ảnh hưởng đến gia đình, xã hội.         

Những gia đình có người nghiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần, có khi làm cho gia đình tan vỡ. Nếu cha mẹ nghiện thì con cái sẽ không được chăm sóc, học hành đến nới đến chốn. Từ đó những người con này có thể sẽ là gánh nặng cho xã hội. Nếu con cái nghiện ngập thì cha mẹ không được sống yên ổn, mất danh dự gia đình…              

Ma túy không chỉ gây tác hại đói với cá nhân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Một đất nước có nhiều người nghiện thì sức lao động sẽ bị giảm. Nòi giống bị suy thoái, sinh ra những đứa con tật nguyền, quái thai. Nhà nước lại phải bỏ tiền ra chăm lo. Ma túy cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tệ nạn, nhiều loại tội phạm khác như mại dâm, cướp đật, trộm cắp, … làm mất trật tự xã hội. Hàng năm đất nước phải bỏ ra một nguồn tiền khổng lồ để duy trì pháp luật, duy trì cuộc sống cho những người này làm ảnh hưởng đến ngân sách cũng như các chế độ phúc lợi khác.

Để phòng, chống nạn ma túy, pháp luật nước ta quy định: nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng, cưỡng bức, lôi kéo sử dụng các chất ma túy trái phép; những người nghiện ma túy bắt buộc phải cai nghiện.             

Mỗi chúng ta phải biết sống giản dị, lành mạnh, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để đất nước ngày càng phát triển, gia đình hạnh phúc, bản thân khỏe mạnh.

Nguyễn Tuyến tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

Check Also

nu sinh truong y dep thuan khi218637 310x165 - Phân tích bài thơ Quê Hương của Tế Hanh

Phân tích bài thơ Quê Hương của Tế Hanh

Đề bài: Phân tích – Bình luận bài thơ Quê Hương của Tế Hanh Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *